Mô hình nuôi cút thả vườn được rất nhiều hộ chăn nuôi có diện tích đất vườn lớn, muốn tận dụng lợi thế về địa hình và thức ăn có sẵn để chăn nuôi chim cút quảng canh hoặc bán quảng canh. Chim cút thả vườn cho chất lượng thịt thơm ngon săn chắc và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu không nắm vững kĩ thuật và cách chăm sóc tốt sẽ khiến đàn cút hao hụt lớn do các yếu tố bất lợi và khó kiểm soát đàn vật nuôi. Để đảm bảo tỉ lệ thành công trong mô hình chăn nuôi cút này, mình xin gửi tới bà con trọn bộ hướng dẫn cách nuôi chim cút thả vườn cho hiệu quả cao. Mời bà con tham khảo.
Chọn chim cút giống khi nuôi
Các hộ chăn nuôi hiện nay thường lựa chọn giống chim cút Nhật Bản để nuôi nhờ khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của nước ta, rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, khả năng kháng bệnh cao và khả năng đẻ trứng tốt (sản lượng trứng đạt 260 -300 trứng/năm).
Nuôi chim cút thả vườn bà con cần lưu ý một số đặc điểm sau đây để lựa chọn ra các con chim bố mẹ có phẩm chất tốt:
Cần lựa chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín. Chim giống phải khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ và có những phẩm chất tốt như: không có dị tật, tầm vóc lớn, nhanh nhẹn, ăn khỏe…
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Giống chim cút tốt được nhiều người lựa chọn đề nuôi
- Chuồng nuôi chim cút có những loại nào? Cách làm chuồng?
- Nuôi chim cút như thế nào để mang lại năng suất cao nhất
Tránh lựa chọn các con cút cùng đàn làm giống, tránh hiện tượng cận huyết. Nên lựa chọn các con giống khác đàn làm chim bố mẹ. Cần tách riêng những con chim lựa chọn sinh sản để nuôi riêng từ 25 ngày tuổi trở lên.
Lựa chọn những con chim cút trống làm giống có những đặc điểm sau đây: khỏe mạnh, tới 25 ngày tuổi trọng lượng cần đạt từ 70 -90g/con, biểu hiện nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, tầm vóc nhỏ hơn con mái, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, ngực nở và có lông ngực màu vàng.
Con mái làm giống cần có các đặc điểm: đầu thanh, trọng lượng nặng hơn và tầm vóc to hơn cút trống, lông da bóng mượt, cổ nhỏ, lông ngực có đốm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại, tốt cho việc đẻ trứng.
Bà con cần đảm bảo lựa chọn các con chim cút trưởng thành có độ tuổi từ 3 tháng trở lên mới tiến hành phối giống, nhằm đảm bảo khai thác tối đa thời gian sinh sản.
Thức ăn cho chim cút
Nuôi chim cút thả vườn thường sử dụng cám viên làm thức ăn chủ yếu. Ngoài ra, bà con có thể trộn thêm các loại ngũ cốc khác vào thức ăn như: tấm, cám gạo, các loại đậu, kê, cao lương… bổ sung thêm mồi tươi như: trùn quế, dế, ấu trùng ruồi lính đen và một số thức ăn thô xanh như các loại rau.
Cho ăn các dạng thức ăn khác nhau theo từng độ tuổi của chim cút:
Chim cút dưới 10 ngày tuổi: nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp
Chim cút từ 10 -20 ngày tuổi: trộn tấm và cám theo tỉ lệ 1:1
Chim cút trên 20 ngày tuổi: có thể bổ sung thêm mồi tươi và rau vào khẩu phần ăn hàng ngày. Lưu ý: nên sử dụng máy băm nghiền đa năng để băm nhỏ các dạng thức ăn có kích thước lớn để phù hợp với khoang miệng cút và tiết kiệm thức ăn.
Khi nuôi chim cút thả vườn nên cho cút ăn từ 3 – 4 lần/ngày, cho từng ít một, ăn hết lại cho và không nên cho ăn quá nhiều khiến chim béo, làm giảm chất lượng thịt. Nên tăng làm lượng tinh bột và giảm lượng đạm nếu muốn vỗ béo chim cút. Tỷ lệ thức ăn nên cân bằng ở mức: 4 bắp – 1 lúa – 1 cám. Đồng thời bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và rau xanh.
Cách chăm sóc khi nuôi chim cút thả vườn
Nên chia cách chăm sóc chim cút thành 3 giai đoạn khác nhau:
Giai đoạn từ 1 – 25 ngày: Cần đảm bảo chiếu đèn, sưởi ấm để duy trì thân nhiệt cho đàn cút mới nở. Tuần đầu tiên nên duy trì mức nhiệt ở 34 độ và giảm 3 độ mỗi tuần cho đến khi hết tuần thứ 4 thì để nhiệt độ theo tự nhiên. Đảm bảo môi trường chăn nuôi luôn khô ráo và ấm. Bổ sung lượng đạm và vitamin nhiều hơn trong khẩu phần ăn.
Giai đoạn từ 25 -30 ngày: Mục tiêu trong giai đoạn này là vỗ béo nên cần bổ sung thức ăn giàu tinh bột và ít đạm. Cho chim ăn theo nhu cầu cho tới khi tròn 40 ngày có thể xuất bán.
Giai đoạn sinh sản: Cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và cân bằng các nhóm dưỡng chất, kích thích chim đẻ mau và đẻ đều.
Phòng bệnh khi nuôi chim cút thả vườn
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu chim trĩ – Loài chim giúp làm giàu nhanh chóng
- Chim sáo: Đặc điểm, cách chăm sóc và nuôi chim nhanh nói
Chim cút có sức đề kháng tốt hơn các gia cầm khác như gà, vịt, ngan… Nhưng cũng cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh thật kĩ lưỡng đặc biệt đối với mô hình nuôi chim cút thả vườn, do vật nuôi tiếp xúc với môi trường tự nhiên khá nhiều, rất dễ lây lan mầm bệnh. Ngoài vệ sinh chuồng trại, sát khuẩn định kì, rửa sạch máng ăn máng uống, thu gom phân hàng ngày cần lưu ý thêm các vấn đề sau:
Tiêm phòng vaccine phòng bệnh: Newcastle, tiêu chảy, bại liệt… và một số bệnh liên quan tới tiêu hóa.
Cho uống nước rượu tỏi, men vi sinh từ nhỏ (bắt đầu từ 3 – 5 ngày tuổi) để tăng cường sức đề kháng.
Đảm bảo thức ăn tươi, sạch và cho ăn ít một, tránh dư thừa thức ăn khiến thức ăn bị ôi thiu, gây ngộ độc.
Bổ sung đầy đủ vitamin A, tránh bệnh sưng mắt, bổ sung photpho và canxi, tránh bại liệt.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim cút thả vườn hiệu quả. Chúc bà con nắm vững thông tin và áp dụng vào chăn nuôi để đàn chim cút nhà mình mau ăn, chóng lớn, khỏe mạnh và cho chất lượng thịt, trứng cao.