Chim cút là loài chim được nhiều hộ gia đình tại Việt Nam lựa chọn để nuôi với quy mô từ nhỏ đến lớn. Loài chim này rất dễ nuôi, với các kỹ thuật cơ bản như nuôi gia cầm. Giá trị mà nó mang đến lại vô cùng lớn, có thể nuôi để thịt hoặc nuôi để bán. Chi phí nuôi chim thấp, giá bán trên thị trường lại vô cùng hời, đi cùng với hàm lượng dinh dưỡng cao khiến mặt hàng này bán rất chạy. Mọi thông tin về loài chim này sẽ được đưa đến bạn đọc trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung về loài chim cút
Chim cút có tên khác là chim Cay hoặc Cun Cút. Loài chim này thuộc họ chim trĩ, với thân hình nhỏ bé, hơi tròn trịa. Trên thế giới có thêm một loài gọi là cút Tân thế giới, không thuộc họ trĩ. Tuy nhiên loài này cũng có hình dáng và kích thước nhỏ bé cùng với những tập tính giống với chim cút nên nó vẫn được xếp vào hàng chim này. Do đó, nhiều người cho rằng, tên “Cút” là danh từ chung, nhằm chỉ những loài chim có kích thước nhỏ bé.
Hiện nay, rất nhiều gia đình tại Việt Nam lựa chọn nuôi loài chim này vì nhiều lợi ích, ưu điểm của nó: chi phí nuôi thấp, kỹ thuật dễ, không hay mắc bệnh dịch, giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Chúng thường được nuôi để lấy thịt hoặc lấy trứng. Chim cút tự nhiên sống ở những nơi có nhiệt độ ấm, nóng, lần đầu tiên người ta thuần hóa và nuôi được giống chim này là tại Nhật Bản.
Ban đầu, người ta cũng nuôi giống chim này nhằm mục đích giải trí, bởi chúng cũng biết hót. Chỉ đến khoảng những năm 1900 thì chim bắt đầu được nuôi để lấy thịt. Thịt chim có nhiều chất bổ dưỡng, thường được nấu thành các món cháo, món chiên, người ốm ăn vào rất nhanh lấy lại sức.
Đặc điểm thường thấy ở chim cút
Hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra loài chim này chỉ với hình dáng bên ngoài. Chim cút sẽ có màu trắng – nâu – đen – xám là màu chủ đạo. Chủ yếu loài chim này có màu nâu đậm với các vết sọc màu đen đi theo dọc sống lưng, cánh, đầu. Đầu chim sẽ có 1 đường kẻ dài ở chính giữa màu đen hoặc nâu sẫm, với hai bên mai là màu trắng xám hoặc nâu nhạt. Mắt chim nhỏ, đen láy rất tròn. Đặc biệt, chân chim sẽ có màu xám hồng và cườm đen. Trên toàn bộ bộ lông của nó là những vết sọc theo đường thẳng.
Tùy vào một số con mà sẽ có đặc điểm khác nhau. Ví dụ như có những chú chim sẽ có màu lông xám đen, phần lông dưới cánh thay vì sọc lại là những chùm lông màu nâu đỏ. Khi chim trưởng thành, màu lông của nó lại có sự thay đổi. Ví dụ như những con đực sẽ dần thay lông sang vàng nhạt pha trắng, chim mái sẽ dần ngả màu xám đen, dưới bụng lông màu trắng.
Về kích thước, có thể thấy chim đực luôn to hơn chim cái, nhưng điều đó lại hoàn toàn ngược lại đối với giống chim cút này. Chim đực chỉ 100 – 150gr, trong khi chim mái có thể to hơn nhiều, lên đến 200 gram. Chính vì vậy, người ta thường chọn nuôi nhiều chim mái để lấy trứng và lấy thịt. Nuôi chim trống để làm giống và bán cho các hàng quán có nhu cầu mua chim nhỏ.
Các tập tính của loài chim cút
Chim cút thích ở trong môi trường ấm áp, vì vậy chúng thường không di cư mà lựa chọn làm tổ trên mặt đất. Các địa điểm như đồng cỏ, bụi cây là những nơi chim cút thường làm tổ, bởi chúng cần một thứ gì đó che lấp chiếc tổ của mình. Loài chim này sẽ ghép lá cây, cành cây khô và tạo nên một chiếc tổ nhỏ 7 – 5 inch. Chúng có xu hướng làm tổ thấp để tránh gió rét. Mỗi năm, loài chim này chỉ nuôi hai trứng.
Có rất nhiều loại chim cút, loại thường thấy ở Việt Nam sẽ không di cư. Nhưng một số loài khác lại có khả năng bay rất cao và nhanh, chúng sẽ di cư về phía Nam và quay về vào mùa xuân, hạ để làm tổ và sinh sản. Hiện nay, giống chim này được nuôi như các loại gia cầm khác bằng cách làm chuồng chứ không phải lồng nhỏ như chim cảnh.
Vào mùa đông, chim cút sẽ sống theo đàn, chúng đứng tụm lại với nhau để sưởi ấm. Tuy nhiên, trong tự nhiên, khi vào mùa xuân hạ, chúng sẽ bắt cặp với nhau để sinh sống, thậm chí sẵn sàng sống đơn độc. Chim mái thường sẽ không biết hót, chỉ chim trống mới hót được để thu hút bạn tình. Chim non cũng vô cùng khác lạ với các loài chim khác, khi chúng có thể đứng dậy và đi ra khỏi tổ chứ không cần nằm yên chờ chim bố mẹ mớm thức ăn. Có thể nói, chim cút có tập tính sinh hoạt khá giống gia cầm.
Cách nuôi chim kinh tế, hiệu quả
Như đã biết, loài chim này có rất nhiều lợi ích không chỉ trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn giúp nhà nông làm giàu. Rất nhiều hộ gia đình đã ổn định được kinh tế nhờ vào việc nuôi chim cút.
Chuẩn bị gì khi nuôi chim cút
Nuôi loài chim cút này không cần lồng mà sử dụng chuồng giống như chuồng gà. Chuồng của chim phải đảm bảo đủ chiều cao, chiều rộng và dài cho chim sinh hoạt, tùy theo quy mô chăn nuôi của gia đình mà xây chuồng cho hợp lý. Chuồng chim phải đáp ứng một số yêu cầu sau:
- Bảo vệ được chim không bị tấn công bởi các loài vật nuôi khác.
- Tạo ra được môi trường sống hợp lý, nhiệt độ phù hợp cho chim sinh sản, phát triển.
- Chuồng phải có lưới mắt cáo, để phân chim rơi được xuống dưới đất, giúp người nuôi dọn dẹp dễ dàng.
- Trong chuồng phải có sẵn máng ăn, nước uống và nắp đậy.
- Chuồng ít nhất cao 0,5m và rộng 1,5m.
Cách chọn giống chim cút
Để nuôi được một đàn chim cút khỏe mạnh, có tiềm năng phát triển tốt thì cần chuẩn bị kỹ càng từ khâu chọn giống. Vậy như thế nào là giống chim khỏe, năng suất? Những mẹo chọn chim dưới đây sẽ giúp bạn tối ưu hóa mô hình kinh doanh của mình đó:
- Đối với chim trống: thân hình gọn gàng, khỏe mạnh, đầu nhỏ, lông mượt, cổ dài, ngực nở nang. Lông dưới ngực vàng, lông cánh tơ, không bết, mắt mở to tròn, linh hoạt. Trong tháng đầu, chim đạt gần 100 gram là đạt chất lượng.
- Đối với chim mái: cổ nhỏ, lông mềm mại, mượt, mắt mở to, đen nhánh. Với chim mái, cần nhìn vào phần hậu môn và lỗ đẻ, nếu hồng hào, căng thì chim càng mắn đẻ.
Cho chim cút ăn gì?
Khi nuôi chim cút để lấy thịt và lấy trứng thì hàm lượng dinh dưỡng cho loài chim này cũng cần cao hơn, thậm chí nó còn cao hơn hàm lượng dinh dưỡng dành cho gà. Một số thức ăn dành cho chim như:
- Ngô, tấm, cám, thóc.
- Bột cá nhạt, bột đậu tương rang, bột đậu xanh, bột sò, bột xương, bột cỏ.
- Khô dầu lạc, Premix khoáng, Premix vitamin, ADE gói 10gr.
Nuôi chim cút nhanh thịt, đẻ trứng
Khi nuôi chim, người ta thường chọn một số chim trống khỏe mạnh để phối giống, số chim trống/mái không đạt yêu cầu sẽ chuyển sang nuôi để lấy thịt. Loại chim này phát triển theo 3 giai đoạn: chim non – chim hậu bị – chim đẻ trứng. Mỗi một giai đoạn lại cần cách chăm sóc khác nhau.
Mỗi con chim cút trưởng thành sẽ ăn 20 – 25gr thức ăn và uống 100ml nước sạch mỗi ngày. Vì vậy cần cung cấp đủ, thêm các chất sắt, cám, bột cá để chim nhanh sinh sản. Để chim có sức đề kháng tốt, người nuôi có thể hòa vitamin vào trong nước uống cho chim. Lưu ý cần sử dụng đúng liều lượng, không nên quá lạm dụng các chất, nếu không thịt chim sẽ bị bở, không còn giữ được chất dinh dưỡng cần thiết.
Một số lưu ý dành cho giai đoạn nuôi chim con như sau: người nuôi cần tách chim non ra sau khi nở, giữ nhiệt độ môi trường ở mức 34 độ C và giảm dần qua mỗi tuần. Chim non sau 1 tháng sẽ không cần tách đàn nữa, có thể thả vào nuôi chung hoặc nuôi riêng thành lứa mới cũng được. Chim cút có thể xuất chuồng khi đã đủ cân hoặc đủ 45 ngày. Nếu muốn chim tăng cân nhanh, bổ sung thêm tinh bột cho chim.
Những món ăn ngon – bổ từ chim cút
Trong thịt và trứng cút có rất nhiều chất dinh dưỡng, vì vậy những món ăn làm từ thịt cút đều được nhiều người ưa chuộng. Dưới đây là một số món ăn ngon có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Thịt chim nấu được món gì?
Cháo chim: Nếu luộc chim cút lên và sử dụng nước đó để nấu cháo, thịt chim xay hoặc xé ra bỏ vào cháo thì sẽ tận dụng được hết toàn bộ mọi chất dinh dưỡng từ thịt chim. Thông thường, nhiều người hay nấu cháo chim cút cùng với cật lợn và đậu đỏ. Món ăn này rất tốt cho những người bị viêm thận, tiêu hóa kém hay suy dinh dưỡng.
Chim cút chặt thành những miếng nhỏ để xào cùng măng chua cũng là một món ăn được nhiều người yêu thích. Chim cần rán cho vàng, sau đó cho măng đã thái lát sẵn bỏ vào, nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Món ăn này tốt cho những người bị lao, phong thấp, tiêu chảy hay thiếu chất.
Xôi chim: Đây là món ăn vô cùng nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thịt chim băm nhỏ, nêm gia vị sau đó xào lên cho săn lại. Xôi nóng hổi lấy ra bát, bỏ vài thìa thịt chim băm vào rồi trộn thịt chim và xôi lên thật đều, sau đó có thể ăn kèm với hành khô hoặc nước mắm, vừa đậm đà lại bổ dưỡng.
Trứng chim nấu được món gì?
Đối với trứng chim cút, có rất nhiều cách chế biến như cháo trứng, trứng hầm sâm, trứng sống đánh vào bột bạch cập cũng rất bổ dưỡng. Với những người bị lao phổi, có thể lấy bạch cập (1 vị thuốc Đông y), sắc lên với nước sôi, sau đó bỏ trứng cút vào và khuấy đều, uống vào sáng sớm.
Trứng chim ngoài các món đơn giản như luộc, ngâm tương, xào me còn có thể trở thành bài thuốc khi kết hợp với đảng sâm, đương quy và đại táo. Những sản phụ sau khi sinh cần bồi bổ sẽ phù hợp với món ăn này.
Kết luận
Chim cút là loài chim giàu dinh dưỡng và đem lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quan về loài chim này để có thể kinh doanh hoặc sử dụng thịt chim một cách tốt nhất.