Chim cu hiện nay được rất nhiều người yêu chim mua về để làm cảnh và luyện gáy. Loài chim này dù không có ngoại hình quá nổi bật nhưng vẫn được hội chơi chim vô cùng ưa chuộng bởi khả năng “ca hát” của chúng. Nuôi cu gáy sẽ giúp căn nhà của bạn thêm phần sôi động, dù tiếng hót của nó có phần đặc biệt, không như những loài chim khác nhưng vẫn đem lại hiệu ứng tích cực cho người nuôi. Thú chơi chim cu gáy cụ thể như thế nào, cần quan tâm điều gì, hãy cùng tìm hiểu qua loạt thông tin dưới đây.
Chim cu và một số thông tin cơ bản
Nhiều người biết đến loài chim này với cái tên Cu Gáy nhiều hơn. Loài chim này có nhiều tên riêng như Cu đất, Cu cườm, hay tên tiếng Anh là Streptopelia chinensis. Giống chim này xuất hiện ở cả Châu Á lẫn Châu Âu, tuy nhiên tại Châu Âu chỉ bắt gặp tại một số vùng nông thôn hoặc trong rừng. Dù sinh sống tại môi trường nào thì Cu gáy đều có ngoại hình giống nhau, với đặc trưng của bộ lông nâu xám.
Một số thông tin về cu gáy
Với loại Cu gáy có cườm tên tiếng Anh là Spotted Dove hoặc Lace neck dove, sống tại vùng nhiệt đới. Một số quốc gia có nhiều Cu gáy như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ thì thú chơi chim sẽ phổ biến hơn nhiều. Đặc biệt, tại Việt Nam chim cu thường có nhiều ở miền núi hoặc đồng bằng.
Chim cu gáy có tập tính định cư và tập trung thành từng đàn. Ít nhất một đàn có 5 con và nhiều nhất có thể lên đến 15 – 20 con. Chính vì vậy, cu gáy rất ít khi rời tổ của mình, chúng có thói quen làm tổ gần những vùng có cây ăn quả, vùng trồng trọt nhiều, sẵn thức ăn. Các rừng cây, cây ven ruộng hay bụi tre, nứa là những nơi dễ bắt gặp tổ cu gáy nhất. Hơn thế, loài chim này không bao giờ làm tổ quá sâu trong rừng.
Tổ của chim cu gáy được làm từ vỏ cây, lá cây và cành cây khô để tránh sự phát hiện của con người. Một chim mái sẽ đẻ hai trứng để chúng bắt cặp với nhau cho đến khi trưởng thành, vì vậy thường sẽ có 1 trứng trống và 1 trứng mái. Chim mái và trống sẽ thay nhau ấp trứng, sau 2 tuần, chim non nở ra và ăn thức ăn được chim bố, mẹ mớm cho.
Mô tả nét chung của cu gáy
Chim cu gáy có những đặc điểm vô cùng dễ nhận dạng. Nó là loài chim không mấy sặc sỡ, mới đầu khi nhìn vào có thể sẽ bị nhầm lẫn với bồ câu do màu lông sẫm của nó, nhưng loài chim gáy vẫn có một số đặc trưng riêng.
Như đã biết, màu sắc lông của cu gáy là màu xám, nâu và trắng với màu xám chủ đạo. Thông thường, đầu của cu gáy thường có màu nâu, pha với hồng nhạt, một số khác lại có màu lông đầu sáng hơn hẳn so với màu người (trắng hoặc xám).
Hai bên đầu của loài chim này thường có màu xám, riêng phần cổ sẽ có màu đen và những chấm nhỏ màu trắng. Các giống chim có đặc điểm này thường được gọi là cu cườm, bởi cổ trông giống những hạt cườm vậy.
Phần lông của cu gáy có màu nâu nhạt hoặc màu xám tro đậm. Một số cá thể sẽ có các vùng lông xen kẽ màu đen, tuy nhiên nhìn chung phần lông cách vẫn có viền nâu đen khá nổi bật.
Lông đuôi cũng có màu sẫm hơn bình thường, với màu sắc chuyển đen dần và một vài sợi trắng. Mắt chim cu gáy sẽ có màu nâu đỏ hoặc nâu đậm, mí mắt có màu đỏ, mỏ màu xám đen, dài khoảng 1 – 1,5cm. Chân cu gáy màu đỏ nâu, có móng vuốt để bám vào cây trong quá trình sinh sống.
Đặc điểm chim cu và phân biệt trống – mái
chim cu gáy thường có đuôi dài từ 5 – 7cm, với ba màu trắng – đen – nâu hoặc trắng – nâu – xám kết hợp với nhau. Thân hình màu nâu hoặc xám với các đốm màu đậm hơn. Giữa cu gáy trống và mái có sự khác nhau, tuy không rõ rệt nhưng với một số điểm nhận dạng đặc trưng thì người nuôi chim hoàn toàn có thể nhận ra được.
Về mắt: Chim mái thường có mắt to và đậm màu, trong khi chim cu gáy trống lại có đồng tử nhạt màu hơn. Về thân hình: Đặc điểm này dễ nhận diện nhất, với chim trống, thân hình sẽ to hơn với một cái đầu không mấy tròn trịa. Bên cạnh đó, phần ức của chim trống cũng to hơn về chiều ngang. Ngược lại, thân hình chim mái nhỏ gọn, đầu tròn, lông mượt, có phần “thướt tha” hơn chim trống.
Về màu sắc: Có thể phân biệt chim cu gáy trống – mái thông qua màu lông cườm ở cổ. Với chim trống, phần cườm này sẽ đậm màu hơn chim mái. Phần lông đuôi cũng nói lên sự khác biệt giới tính, chim trống thường có lông đuôi sẫm màu, thay vào đó chim mái lại có phần lông sáng màu hoặc màu trắng.
Cũng có thể xác định chim trống hay chim mái thông qua tỷ lệ xương chậu hay giọng gáy. Tuy nhiên, cách thức này chỉ những người có kinh nghiệm và nuôi chim lâu năm mới thực hiện được chính xác.
Chim cu và giọng gù đỉnh cao
Hiện nay, nhiều người có thú chơi chim và đặc biệt lựa chọn chim cu do giọng gù của nó. Chim cu gáy không giống các loài chim khác với giọng hót lảnh lót mà nó gáy gần giống với cách thức của gà. Chỉ khác là âm thanh sẽ đục và có nhịp điệu hơn. Thông thường, tiếng gù của cu gáy sẽ có âm thanh như “Cúc cù cu” và được lặp lại nhiều lần. Khi chim cu gáy sẽ kết hợp cùng động tác gật đầu xuống dưới.
Tiếng gáy của cu trống và mái
Khi cu trống gáy, nó có mục đích thu hút sự chú ý của con mái, nhất là vào mùa sinh sản. Chim trống gù sẽ có động tác gục đầu xuống sát đất và lặp đi lặp lại, giống như một lời chào lịch thiệp gửi tới chim mái. Tiếng gù của cu gáy cũng khác nhau dựa theo tính cách và giới tính. Cu trống khi gáy tiếng sẽ to, rõ ràng, âm thanh trầm và dày hơn.
Ngược lại, chim cu mái rất ít khi gáy, chỉ khi trong đàn có nhiều chim mái với nhau thì chúng mới cất tiếng gù. Âm thanh của chim mái sẽ trong hơn, âm độ cao hơn chim trống. Dù vậy, đến nay, vì chim mái ít khi gù nên người ta chỉ nuôi nhằm mục đích sinh sản hoặc làm cảnh.
Huấn luyện cu gáy
Một điều khá thú vị chính là nhiều người chơi chim đã có khả năng huấn luyện được chim cu và điều khiển xem lúc nào nó sẽ gù. Người ta thường dùng ngón tay, thực hiện động tác phất lên – xuống giống như động tác cúi đầu của chúng khi gáy. Sau khi huấn luyện, cu gáy chỉ cần nhìn thấy động tác tay lên xuống là sẽ gáy.
Bình thường chim chỉ gáy 3 tiếng là “Cúc cù cu”, tuy nhiên, cũng có lúc cu gáy cao hứng và gù một tràng dài như “cúc cù cu – cù cu – cù cu”. Âm thanh cu gáy chủ yếu xoay quanh những tiếng như vậy, nhưng cách gù thế nào còn tùy vào tính cách từng chú chim. Khi chim thăng hoa, chúng có thể gù rất nhiều kiểu hay và hấp dẫn như “cúc cù cu – cu” hoặc “cúc cù cu – cúc cù cu – cu”.
Chính vì điều này mà những người yêu thích cu gáy thường rất kén chọn chim. Bởi chỉ những chú chim cu có cườm đẹp, giọng trầm ấm, tính cách hòa đồng, không quá nhát mà cũng không quá hung mới có thể cho ra những tiếng gù tuyệt nhất. Chọn những chú chim có đuôi dài, mỏ đậm màu và cong, chân có nhiều vẩy thường sẽ có giọng gù hay.
Trọn bộ kỹ năng nuôi chim cu
Khi vừa đưa chim cu gáy về nhà, khi này cu gáy vẫn còn lạ nhà, người nuôi nên tìm lồng với độ rộng phù hợp cho chim có thể bay và nhảy tự do trong lồng. Bên cạnh đó, cần tìm một chiếc khăn để phủ bên ngoài lồng, hạn chế chim nhìn thấy nhiều người ra vào. Trong lồng phải có sẵn thức ăn và nước uống được gắn cố định trên lồng. Nếu chim không chịu ăn, người nuôi cần sử dụng đến các phương pháp khác để ép chim ăn.
Cu gáy thường ăn thóc, thóc bạn có thể mua ở chợ hoặc các cửa hàng bán thức ăn gia cầm. Thỉnh thoảng có thể cho chim cu ăn vài thứ mềm mềm để thay đổi khẩu vị cũng như cung cấp đủ chất. Ví dụ như các loại hạt lạc, vừng, đậu cũng là các loại hạt cu gáy thích. Để làm quen với cu gáy, người nuôi cần tiếp cận dần với chim bằng cách thò tay vào đưa thức ăn. Lặp lại hành động này nhiều lần là chim sẽ quen.
Sau đó, bạn có thể bắt đầu huấn luyện chim bằng các động tác tay để chim gù theo ý mình. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, người nuôi có thể để vào chuồng một khay lớn chứa nước, đủ để cu gáy tắm mỗi ngày.
Vào mùa đông, cần dùng vải phủ lên chuồng để ngăn gió lạnh, cu gáy sẽ không tắm vào mùa này. Đặc biệt, người nuôi phải vệ sinh lồng chim thường xuyên, tránh các vi khuẩn từ phân chim phát triển và gây hại cho chim.
Bẫy chim cu gáy như thế nào?
Chim cu gáy thường sinh sống ở bìa rừng nên có thể đặt bẫy dễ dàng. Tuy nhiên cần chọn lựa loại bẫy nào ít gây tổn thương cho chim nhất, khi đặt bẫy cũng nên chọn lọc, không nên bẫy hàng loạt dẫn đến việc cu gáy rừng khan hiếm. Bởi như vậy sẽ làm mất đi một vẻ đẹp tự nhiên vốn có của rừng núi.
Hiện nay, loại bẫy thông dụng và được nhiều người sử dụng nhất là bẫy giò. Bẫy giò là một loại bẫy có nhiều giò cắm, được sử dụng để buộc vào chân cu gáy khi nó sập bẫy mà không gây xước xát ở chân chim. Đi cùng bẫy giò là bội úp chim mồi, bội úp sẽ trông giống như một cái rổ lớn, úp ngược, để hé một góc dụ chim vào, sau khi chim ăn mồi thì bội úp sẽ sập xuống.
Để bẫy chim cu gáy hiệu quả, nên chuẩn bị từ 3 – 4 bộ bẫy, cắm xung quanh khu vực đặt giò bẫy. Bội úp chim nên đặt ở nơi bằng phẳng, bên trong đặt thức ăn hoặc loa phát âm thanh gáy của chim để dụ cu gáy vào. Thậm chí nhiều người còn nuôi chim trong bội úp để tránh cu gáy cảnh giác.
Kết luận
Tất cả mọi thông tin về loài chim cu gáy đều đã được cung cấp cho độc giả trong bài viết trên. Thú chơi chim là một thú vui hấp dẫn và cuốn hút, tuy nhiên cũng nên chọn lọc để bảo toàn số lượng chim tự nhiên.